Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị anh hùng

Ngày 23/2/2010, lLc lượng TNXP tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, người dân Việt Nam hôm nay đã được sống trong hòa bình, nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh khốc liệt, những tấm gương anh dũng hy sinh cho công cuộc giải phóng đất nước mãi còn khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Và trong suốt chặng đường dài đấu tranh gian khổ đó,  Quảng Trị là nơi hứng chịu di chứng bi thương của sự chia cắt hai miền Bắc – Nam nặng nề nhất. Với Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương… những địa danh chỉ vài bước chân người đi, mà Tổ quốc đã mất 20 năm kiên cường chiến đấu và đã mất đi bao người con ưu tú mới có thể nối liền. Và dòng sông Thạch Hãn hôm nay vẫn tha thiết chảy trong lời thơ da diết:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ.

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước.

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Quảng Trị là tỉnh nằm ở khu vực phía Bắc Trung bộ, phía Bắc giáp Quảng Bình, phía Đông đồng bằng hẹp, giáp Đông Hải, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây là rừng núi thuộc dãy Trường Sơn và nước Lào, diện tích khoảng 4.700 km2. Tỉnh Quảng Trị có ba sông chính là Bến Hải, Cam Lộ và Thạch Hãn. Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng nên từ xưa đến nay kẻ thù xâm lược thường tìm cách chiếm đóng.

Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam. Mỗi mảnh đất, mỗi ngọn núi, mỗi con sông… đều thấm đượm máu xương và sự cống hiến to lớn của các chiến sĩ bộ đội và những đội viên TNXP dũng cảm. Cuộc chiến tranh giữa quân ta chống lại kẻ thù xâm lược ngày càng cam go, quyết liệt. Quân Mỹ ngày càng đánh phá, tấn công liên tục và ác liệt. Để phục vụ bộ đội chiến đấu nơi chiến trường, lực lượng TNXP tỉnh Quảng Trị được thành lập vào tháng 4 năm 1965, có nhiệm vụ bám trụ chiến trường, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm phục vụ bộ đội chiến đấu; cáng, tải và chăm sóc thương bệnh binh, đào hầm hào, làm nhà, lán trại, kho hàng, làm đường giao thông… cho bộ đội đánh giặc và lực lượng TNXP Quảng Trị cũng trực tiếp chiến đấu trong rất nhiều chiến dịch lịch sử: chiến dịch năm 1968 giải phóng Khe Sanh, chiến dịch năm 1971 đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, trận chiến Thành Cổ Quảng Trị…

Lực lượng TNXP Quảng Trị đã không tiếc máu xương, không quản khó khăn, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đã phát huy tinh thần cách mạng, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu dũng cảm, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nên những chiến công vang dội.

Trong trận đánh oanh liệt ở Vĩnh Linh lực lượng TNXP tỉnh Quảng Trị đã cùng bộ đội chiến đấu dũng cảm, đánh thắng được quân Mỹ và bảo vệ đảo Cồn Cỏ. Ngày 8/2/1965, đế quốc Mỹ huy động 82 lượt máy bay liên tục đánh phá thị trấn Hồ Xá, hành động này đã đánh dấu sự leo thang quân sự của đế quốc Mỹ ở Vĩnh Linh. Từ giữa năm 1966, sau khi thất bại trong “Chiến tranh đặc biệt” buộc phải chuyển sang “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa hàng chục vạn quân với hàng triệu phương tiện chiến tranh vào miền Nam và lăm le tấn công bằng bộ binh ra phía Bắc vĩ tuyến 17. Chính vì thế, Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa, nơi đối đầu khốc liệt giữa quân ta và quân Mỹ – ngụy. Chúng sử dụng máy bay các loại đánh hơn 60.000 lần, trong đó gần 4.000 lần pháo đài B52, để dội xuống Vĩnh Linh 560.000 tấn bom. Hàng trăm nòng pháo cỡ từ 105 đến 406mm được đặt bên bờ Nam và các hạm đội tàu chiến hiện đại nhất (tàu tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu biệt kích,…) bao vây 4 mặt, bắn 727.000 quả đại bác. Chúng ném bom liên tục nhiều đợt trong ngày và đánh liên tục nhiều ngày vào một xã. Hầu như không có một phút giây nào vắng tiếng rú điên cuồng của máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Vĩnh Linh, không một đêm nào vắng bóng các loại tàu chiến, tàu biệt kích của giặc Mỹ ở vùng biển Cồn Cỏ, Cửa Tùng. Chúng quyết cắt đứt đảo Cồn Cỏ ra khỏi đất liền. Các cán bộ, chiến sỹ của ta sống và chiến đấu trên đảo gặp vô vàn khó khăn, đạn, lương thực, nước ngọt cạn kiệt.

Lực lượng TNXP Quảng Trị cùng nhân dân Vĩnh Linh quyết tâm “Kiên quyết giữ vững đảo Cồn Cỏ đến cùng với bất kỳ giá nào”. Với khẩu hiệu “Còn người còn đảo, quyết không cho địch bám đảo”, với khí thế “Ba sẵn sàng”, các đội viên TNXP lên đường tiếp tế cho đảo với quyết tâm “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền, còn đảo”. Trong hàng ngàn lần vượt biển tiếp tế cho đảo, có hơn 300 lần gặp địch, TNXP Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng với tàu chiến Mỹ, để vận chuyển phục vụ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu cho bộ đội trên đảo. Trong những trận chiến ác liệt đó, nhiều đội viên TNXP đã hy sinh và mất tích, nhưng lực lượng TNXP không nao núng, vượt lên đau thương đã chiến đấu và cùng các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 chiếc pháo đài bay B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến trong đó có chiến hạm Niu-dơ-ri trọng tải 100.000 tấn. Đặc biệt, trận chiến ngày 11/11/1966, TNXP Quảng Trị cùng bộ đội đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, Tổng thống Mỹ phải thốt lên là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”.

Ngày 20/10/1965, trong một trận chiến khác TNXP Quảng Trị tham gia cùng Tiểu đoàn 10 đặc công và Tiểu đoàn 8 bộ binh tiến công cứ điểm Tân Lệ, tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí các loại. Đến ngày 29/6/1966 tại khu vực Cầu Nhi, Hải Lăng, TNXP Quảng Trị đã phối hợp với bộ đội chủ lực tập kích và tiêu diệt toàn bộ quân địch khi chúng đang hành quân bằng xe cơ giới, bắt sống được 38 tên địch, phá hủy 27 xe GMC.

Từ năm 1965 đến năm 1967, lực lượng TNXP tỉnh Quảng Trị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, đã vận chuyển được 800 ngàn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, công văn thư tín, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường, vận chuyển hàng trăm thương, bệnh binh về tuyến sau. Giữa năm 1968, trước hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, khó khăn, Tỉnh ủy Quảng Trị tìm nhiều biện pháp với yêu cầu cao nhất là phải giữ cho lực lượng cách mạng không được đói và có vũ khí để chiến đấu. Với chủ trương: “Lấy súng giặc để đánh giặc, lấy nguồn lương thực, thực phẩm của địch để cứu ta”, lực lượng An ninh và TNXP chia từng tốp nhỏ, cải trang luồn sâu đột nhập vào các căn cứ của địch, lấy lương thực và vũ khí phục vụ kịp thời cho chiến trường.

Từ ngày 18 đến ngày 23/6/1971, lực lượng TNXP phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công cứ điểm Tân Lâm, Bắc Cao điểm 544, tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy 10 khẩu pháo 105 ly, đánh sập 80% công sự của địch.

Tháng 3/1972, quân ta tổ chức tổng tấn công trên 3 chiến trường chính: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Vì vị trí chiến lược đặc biệt, Mỹ và chính quyền Sài Gòn dồn tổng lực phản công, Quảng Trị trở thành chiến trường vô cùng khốc liệt với cuộc chiến không cân sức giữa quân ta và địch.

Chỉ trong 81 ngày đêm, lực lượng không quân và hải quân Mỹ đã 4.958 lượt sử dụng B52, hơn 9.048 lượt máy bay phản lực khác, dội xuống vùng đất Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn, 9.552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155 mm, 8.164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2.240 lần oanh tạc của không quân (gấp 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản). Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong hai năm 1968 – 1969. Thị xã Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn đại bác cỡ lớn. Máu của các chiến sỹ, bộ đội địa phương và lực lượng TNXP Quảng Trị tham chiến đã nhuộm đỏ miền đất lửa. Càng về sau quân Mỹ tăng cường hỏa lực, nâng tổng số đạn pháo đánh phá từ 8.000 viên/ngày lên 15.000 viên/ngày, cao điểm có ngày lên tới 30.000 viên, sử dụng 40 đến 60 lượt/chiếc máy bay phản lực một ngày, dùng bom khoan đánh phá hầm hào tường thành, biến Thành cổ thành bình địa, máy bay B52 rải thảm bom đỏ bờ sông Thạch Hãn. Dù đã mất khoảng 90% lực lượng, bộ đội ta thuần túy chỉ là bộ binh nhưng tinh thần quả cảm tuyệt vời các chiến sĩ bộ đội vẫn cùng lực lượng TNXP đánh bật nhiều đợt tấn công của địch, lập tuyến phòng thủ tại Thành Cổ, kiên cường chống lại cuộc bắn phá dữ dội chưa từng có của Mỹ. Những chiến sĩ quả cảm, những người TNXP Quảng Trị kiên trung đã nằm xuống, hy sinh xương máu để Thành cổ trở thành biểu tượng bất tử trong lịch sử chiến tranh chống quân xâm lược của dân tộc. “Mùa hè đỏ lửa” đã tạo ra nỗi kinh hoàng cho Mỹ – ngụy, và chỉ thời gian ngắn sau đó, đế quốc Mỹ buộc phải ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo ở Việt Nam. Cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành bản anh hùng ca bất tử.

Bên cạnh việc phục vụ bộ đội chiến đấu như san lấp hàng ngàn hố bom, sửa chữa cầu đường, thu dọn chiến trường, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, một thành tích phải nhắc đến nữa của lực lượng TNXP Quảng Trị là các đội viên TNXP đã tham gia đào trên 5.000 mét địa đạo, hầm, hào, góp phần xây dựng làng địa đạo Vĩnh Linh, xây dựng nhiều căn cứ, hậu cứ cho Khu ủy Trị Thiên và Tỉnh ủy Quảng Trị. Cả khu vực Vĩnh Linh là một hệ thống hầm hào chằng chịt, dày đặc nối liền với nhau. Từ năm 1965 đến 1968, Vĩnh Linh đào được 91.840 chiếc hầm và 2.098km đường hào. Đây không chỉ là nơi ẩn nấp, tránh bom địch mà còn là nơi xuất kích đánh bộ binh địch. Đây là kết tinh kỳ diệu của bàn tay và khối óc của bộ đội và TNXP Quảng Trị, họ đã làm nên một hệ thống liên hoàn giữa Hầm – Hào – Địa đạo, tạo thành một lá chắn thép vững chắc không có gì xuyên thủng được.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, TNXP Quảng Trị đã vận động nhân dân vùng giải phóng đóng góp cho cách mạng 900 tấn lương thực chuyển về chiến khu an toàn. Trực tiếp mở nhiều tuyến đường vận chuyển Đông, Tây Trường Sơn, đồng bằng, trung du, đường bộ, đường biển, đường sông. Cùng Đoàn 559 bảo đảm thông suốt 65km đường mòn Hồ Chí Minh qua Tây Nam Quảng Trị, tham gia lắp đặt hàng trăm km đường ống dẫn dầu vào chiến trường, đặc biệt khai thác tuyến đường biển, đường sông: Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn và các bến đò.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, lực lượng TNXP Quảng Trị có hai đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trên 100 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, gần 2.000 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, 111 đồng chí đã anh dũng hy sinh, 475 đồng chí bị thương và hàng trăm đồng chí bị bệnh tật, nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh.

Ngày 23/2/2010, lLc lượng TNXP tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Lê Thị Hồng Loan

Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Trị 

www.cuutnxpvietnam.org.vn