Gặp người vỡ đất những làng thanh niên biên giới

Vượt hơn 200 km, chúng tôi có mặt tại bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi đóng quân của Làng thanh niên biên giới, thuộc Tổng đội thanh niên xung phong 9 Nghệ An. Chiếc xe bán tải do Phó tổng đội trưởng Vương Trung Úy điều khiển, lúc lên đèo cheo leo, lúc xuống dốc thăm thẳm. Đôi tay điêu luyện của Vương Trung Úy, nhiều lần điều khiển xe khiến chúng tôi thót tim.

 

Anh Vương Trung Úy say sưa kể chuyện khi phá các vùng biên giới.

Vừa rót cốc nước chè đặc quánh của miền tây xứ Nghệ, anh Vương Trung Úy vừa bắt đầu câu chuyện: “Năm 2000, khi đó tôi vừa tron 26 tuổi. Đang làm Bí thư đoàn xã Hồng Thành(Huyện Yên Thành-PV), thì có anh Lâm và anh Khánh rủ đi thanh niên xung phong làm kinh tế mới. Lúc đó thích thì đi rứa thôi. Chưa hình dung được công việc và nơi đến thế nào cả…”. Anh say sưa kể, sắc thái trên khuôn mặt anh thay đổi do xúc động khi anh kể theo từng thời điểm và địa điểm.

Anh được biên chế về tổng đội thanh niên xung phong 2, đóng tại xã biên giới Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Sau đó tổng đội 2, phân công anh về đội sản xuất, lên khai phá vùng Huồi Đun. “Lần đầu tiên lên bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, H. Kỳ Sơn. Khi đi chưa hình dung được vùng đất này là thế nào. Lên thấy trời mù, tưởng là tối. Đuổi gà vào chuồng, nhưng gà không vào. Đêm đầu tiên, tôi và anh Cảnh, ngủ dưới đất vì năm anh em chỉ có một cái giường. Lúc đó cơ sở vật chất chưa có bất cứ cái gì. Chỉ mới dựng được cái lán để anh em ngủ thôi. Mà trên này thì lạnh, các anh cũng biết đó”. Anh Úy nhớ lại.
Sau khi ổn định chỗ ở, anh Úy cùng các anh em khác triển khai khảo sát địa hình và tham khảo mô hình trồng các loại rau, cây ăn quả, lúa nước. Chẳng bao lâu các mô hình của thanh niên đã có kết quả tốt, anh em lập tức hướng dẫn đồng bào trong vùng cùng tham gia sản xuất. Các anh đã phát hiện vùng đất đồi trọc này trồng được cả giống chè tuyết, Tổng đội đã huy động đồng bào trồng trên vùng đất Huồi Tụ, Mường Lống, Phà Đánh… và nhanh chóng xoá bỏ cây thuốc phiện mà xưa nay đồng bào cho là cây chủ lực của họ.

 

Làng Thanh niên biên giới Tam Hợp, nằm lọt thỏm giữa núi rừng biên cương.

Đến nay Tổng đội thanh niên xung phong 8 Nghệ An đã trồng được 550 ha chè tuyết shan, khoanh nuôi bảo vệ trên 3000 ha rừng và nhiều mô hình khác. Vì có kinh nghiệm, thông thạo nhiều thứ tiếng như Mông, Thái, Khơ mú lại giao tiếp tốt với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nên sau khi Làng thanh niên lập nghiệp ở Huồi tụ ổn định, năm 2007 Anh Vương Trung Úy lại được điều động sang xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi (cũng thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). “Do chịu khó lăn lộn, với lại cũng giao tiếp tốt với bà con dân bản nên được điều động sang đó. Lần đầu lên đó, các anh không biết đâu, đường đi mới khiếp khủng. Khi trời mưa phải dùng xích cam xe máy, xâu dây thép, quấn quanh lốp xe máy mới đi nổi. Những ngày đầu lên khai phá vùng đất đó là những ngày vô cùng cơ cực”. Anh Úy kể.

Hồi sinh trên vùng đất khó

Ban đầu tất cả đều chỉ là một đội sản xuất. Sau đó ổn định và phát triển đều được thành lập thành tổng đội tại Na Ngoi, đến năm 2012, cũng được thành lập thành Tổng đội thanh niên xung phong 10 Nghệ An. Đến nay các đội viên đã khoanh nuôi bảo vệ trên 2.000 ha rừng trong vùng dự án, trồng 120 ha chè tuyết shan, giúp người Mông trồng lúa lai, rau màu, đưa bản làng tiếp cận với khoa học kỹ thuật và chấm dứt nạn du canh du cư, góp phần bảo vệ an ninh biên giới.

 

Anh Vương Trung Úy đang hướng dẫn đội viên về kỹ thuật trồng chanh leo.

 

Ngay từ ngày đầu bước vào sản xuất, Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi trồng thành công 3.000 cây hoa ly, nuôi 5.000 con cá hồi. Sản phẩm độc đáo này của đoàn viên thanh niên miền Tây xứ Nghệ tạo bước đột phá, tăng thu nhập ổn định cuộc sống của anh chị em đội viên tham gia dự án. Sau cá hồi, hoa ly Na Ngoi đã nuôi thử nghiệm cá tầm, đẩy mạnh chăn nuôi lợn đen, gà đen, cung cấp cho thị trường.

Năm 2013, Anh Vương Trung Úy lại được điều động sang Tổng đội thanh niên xung phong 9 Nghệ An để thành lập làng thanh niên biên giới. Đóng trên địa bàn bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Anh Úy cười vui: “Nói chung ở đâu lần đầu khai phá cũng vất vả. Ở vùng biên giới này lại càng vất vả hơn. Giờ thì ổn định rồi. Vừa rồi chúng tôi lại sang Lào, xây dựng mô hình theo chỉ đạo của Trung ương đoàn”.

 

Mới chỉ mấy năm làm mô hình nhưng chanh leo đã cho thu hoạch khá tốt.

 

Một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống, bố là bộ đội về hưu, mẹ là y sỹ. Nhưng với đức tính cần cù chịu khó của một thanh niên xứ Nghệ, Vương Trung Úy đã lăn lộn khắp vùng biên giới Việt-Lào để xây dựng những làng thanh niên lập nghiệp. Tuy vất vả nhưng nhìn lại thành quả của ngày hôm nay anh thấy rất vui.

Được biết những ngày đầu các anh vào đây, dân bản vẫn không làm gì, ăn rồi chỉ vào rừng săn bắn, được sao thì có thế. Nhưng giờ đây đã xây dựng được làng thanh niên biên giới với 68 hộ, đã hỗ trợ làm nhà kiên cố cho 19 hộ (mỗi nhà 30 triệu đồng). Các mô hình chanh leo, nghệ, lúa nước, ngô, bầu, bí, đã cho thu nhập mỗi hộ mỗi năm trên 30 triệu đồng: “Thực ra rất thương vợ con, mình thi đi biền biệt gần 20 năm trời nhiều khi ngày lễ cũng không được về. Nhưng nhìn lại mảnh đất mình khai phá phát triển được cũng thấy vui. Ngày đầu đến đây, bà con khổ lắm, họ không biết cách sản xuất, chỉ dựa vào rừng. Có nhà con ốm, không có tiền đưa con đi viện. Đành ngồi nhìn con chết, tội lắm chú ạ”.

Đến nay nhiều hộ đã không còn đói ăn, đang tiếp tục mở rộng các mô hình để sản xuất làm giàu như hộ anh Vừ Tồng Long, Vừ Bá Phia, Vừ Giống Hùa…

 

Xóm mới của làng thanh niên biên biên giới, giáp biên cương đất nước.

Nói về người đồng nghiệp của mình, ông  Dương Hoàng Vũ, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: “Đồng chí Úy là một người có thời gian công tác tương đối lâu trong lực lượng thanh niên xung phong. Đồng chí rất sáng tạo trong việc vận động nhân dân, tham mưu xây dựng các mô hình, rất có trách nhiệm được lãnh đạo, đội viên và nhân dân rất tin tưởng. Mới đây đồng chí là một trong những lãnh đạo tổng đội 9, sang Lào, xây dựng Làng thanh niên hữu nghị Việt-Lào”.

Báo Dân sinh