Mãi mãi tự hào về Thanh niên xung phong

Từ thực tiễn cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đất nước ta suốt ba thập kỷ trong thế kỷ XX, cùng với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) nước ta đã đóng góp xứng đáng vào những chiến công vĩ đại, oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đây là lực lượng xung kích của các thế hệ thanh niên với phẩm chất cao đẹp, không ngại gian khổ sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; góp phần làm nên những chiến công rực rỡ mang tầm vóc thời đại; là một trong những trang sử chói ngời nhất về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về ý chí và tinh thần bất khuất, ngoan cường dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Lực lượng TNXP nước ta đã làm nên những bản anh hùng ca bất hủ, tuyệt đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh, để các thế hệ mãi mãi tự hào, còn kẻ thù thì rùng mình khiếp sợ.

Cắt băng khánh thành nhà thờ liệt sĩ TNXP- Giải phóng miền Nam Lê Trung Kiên tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm. (Ảnh TLTĐ)

Cách đây 67 năm, trong lúc đất nước ta còn chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần hai, với tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, Người đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày, phục vụ các chiến dịch và lấy tên là Đội TNXP. Thực hiện chỉ thị của Bác, ngày 15/7/1950 Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên được thành lập; quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên gồm 225 cán bộ đội viên. Tháng 9/1950 Đội nhận lệnh ra quân đầu tiên đi phục vụ “Chiến dịch biên giới” và Đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương vì “Đã nêu cao tính tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ”. Phát huy kết quả đạt được, tháng 10/1950 Đội TNXP công tác thứ 2 ra đời. Ngày 22/12/1950, Đội đi phục vụ chiến dịch Trung Du và cũng như Đội TNXP công tác đầu tiên, Đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đã đến thăm đơn vị TNXP thuộc Liên phân đội 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Bốn câu thơ này của Bác đã trở thành lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng, hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Sau chiến dịch Trung Du, lực lượng TNXP được tăng cường thêm quân số, để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Hàng vạn thanh niên đã gia nhập vào lực lượng TNXP Việt Nam, cùng với dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch lớn, luôn có mặt ở những nơi chiến tranh ác liệt, gian khổ nhất như: Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc, Hòa Bình. Trong bất cứ mặt trận nào, các đơn vị, đội viên TNXP đều luôn hoàn thành nhiệm vụ, đó là: Đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt; đảm bảo giao thông liên lạc và hướng dẫn dân công; đảm bảo việc tiếp lương, đạn dược và thuốc men; cáng tải và chăm sóc thương binh đưa về tuyến sau an toàn; thu dọn chiến trường, thu hồi vũ khí, đạn dược, chiến lợi phẩm và chôn cất xác địch.

Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, công tác phục vụ chiến đấu làm đường giao thông, xây dựng kho tàng,.. giai đoạn này ngày càng trở nên cấp bách.   Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ:…”Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26/3/1953, Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập với số lượng đông hơn, được chuẩn bị chu đáo về tổ chức, tư tưởng và nhiệm vụ. Cuối tháng 12/1953, lực lượng Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất mang tên mới là Đoàn TNXP Trung ương mang mật danh “Đoàn XP” do đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký của Bác Hồ làm Đoàn trưởng.

Tại Liên khu V, hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập và đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và Đoàn TNXP Trung ương đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng lịch sử của “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiêng sử vàng”, lực lượng TNXP được giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường, làm các đường chiến lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn với việc nhận và xây dựng các công trình thanh niên, xây dựng nhà máy cơ khí. Đầu năm 1956, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Kỳ tổ chức Đội TNXP mà đội viên là những sinh viên của trường Đại học Nhân Dân tự nguyện tham gia. Đội lấy tên là Đội 56 làm nhiệm vụ xây dựng đất nước, mà trước mắt là tham gia xây dựng nhà máy chè Phú Thọ và một số nhà máy khác. Đội TNXP này là một Đội TNXP “đặc thù”, nhằm đưa sinh viên vào hoạt động thực tiễn để rèn luyện, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, mở ra một mô hình giáo dục đào tạo nhân tài mới chưa từng có ở Việt Nam. Sau gần 06 năm hoạt động, lực lượng TNXP xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của thế hệ TNXP thứ nhất của thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai.

Cựu nữ TNXP – Giải phóng miền Nam tham gia biểu diễn văn nghệ ngày họp mặt tại Bến Tre. (Ảnh H.C)

Năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh, ồ ạt đưa quân vào xâm lược miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam ngày càng ác liệt, trước yêu cầu của nhiệm vụ lịch sử, ngày 21/6/1965 lực lượng TNXP cứu nước được thành lập và một lần nữa lịch sử lại giao trọng trách nặng nề cho lực lượng TNXP. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, của Đoàn, hàng chục vạn thanh niên từ phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” đã hăng hái tham gia các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, là lực lượng lao động đặc biệt, được tổ chức và xây dựng trên ba mặt sản xuất, chiến đấu, học tập. Nhiệm vụ chủ yếu của các Đội TNXP  là mở đường, đảm bảo giao thông vận tải những tuyến đường huyết mạch, địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và với ý chí “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”; “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước” lực lượng TNXP đã nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam – thống nhất Tổ quốc.

Tham khảo tư liệu lịch sử từ 1965 – 1975, có 133.157 thanh niên tham gia vào lực lượng TNXP (có 7 vạn là nữ), trong đó: Trên 2 vạn TNXP phục vụ quân đội với nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông, vận chuyển cho chiến trường miền Nam; tham gia chọc thủng rừng Trường Sơn mở đường “Đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh lịch sử”; trên 10 vạn TNXP phục vụ ngành giao thông vận tải với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Ở miền Nam – tiền tuyến lớn của cách mạng Việt Nam, nhân dân và thanh niên hướng về Trung ương và Bác Hồ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để Bắc – Nam thống nhất một nhà, thỏa lòng Bác mong. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam lần thứ nhất (tháng 03/1965) đã phát động phong trào “Năm xung phong chống mỹ cứu nước”. Và “Đội TNXP – Giải phóng miền Nam” đầu tiên được thành lập vào ngày 20/4/1965, hàng vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP – Giải phóng miền Nam và trở thành đội quân đặc biệt, vừa tham gia xây dựng nông thôn vùng giải phóng, vừa làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường công tác và chiến đấu ở vùng trung tuyến đến hỏa tuyến của các mặt trận.

Cùng với sự ra đời, phát triển của lực lượng TNXP cả nước, Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung) của Bến Tre được thành lập vào ngày 22/12/1965, Đội mang tên Nguyễn Văn Tư – Anh hùng lực lượng vũ trang quê xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Bắc) với 148 đội viên. Đội cấp tốc lên đường về miền Đông, được Tổng đội TNXP – Giải phóng miền Nam bố trí trong Liên đội 9, mang số hiệu 2012 (lấy ngày thành lập làm số hiệu), cùng với các Đội của Cà Mau trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 1 (Trung đoàn Bình Giã Q176). Sau đó Bến Tre tiếp tục đưa 25 cán bộ, đội viên bổ sung cho Tổng đội, Liên đội 9, Liên đội 5 và Cục hậu cần. Đầu Xuân 1968, Đội TNXP không thời hạn mang tên “Đội Nguyễn Văn Tư II” được thành lập, vừa phục vụ các đơn vị vũ trang tỉnh, vừa đưa về Quân khu 8 (T2) theo yêu cầu. Năm 1966, Bến Tre đã có 1.715 đội viên TNXP cơ sở gia nhập quân đội, 1.520 đội viên vào du kích, thế trận nhân dân ở địa phương. Đây là nguồn bổ sung nhân lực dồi dào cho Tổng đội TNXP miền Nam, cho bộ đội Miền, tỉnh, huyện, du kích. Hệ thống lại trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, lực lượng TNXP Bến Tre tham gia Tổng đội (Đội 2012) đã trực tiếp phục vụ 189 trận đánh lớn, nhỏ. Tại tỉnh, lực lượng TNXP trực tiếp phục vụ 200 trận đánh lớn, nhỏ trên khắp các địa bàn trong tỉnh, địa hình của Bến Tre gồm cù lao Bảo sang cù lao Minh và cù lao An Hóa là một chiến trường không phân biệt đâu là hậu phương, đâu là tiền tuyến. Tải thương và tiếp đạn tại trận địa 200 tấn vũ khí; chuyển, chăm sóc, bảo vệ 3.900 thương binh. Lực lượng TNXP Bến Tre công tác tại Khu 8 (T2) có 2.000 người hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một bộ phận cán bộ, đội viên TNXP Bến Tre được điều động sang quân đội, được cử đi học và chuyển sang làm công tác khác, số đông trở về quê hương tham gia lao động sản xuất xây dựng cuộc sống. Năm 1977 – 1978, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương tổ chức nông trường (trồng rừng) ở Giao Điền (Thạnh Phú); xây dựng lâm trường ở Châu Bình và khai thác đá ở tỉnh Tây Ninh, làm đường ở Bình Đại. Theo tiếng gọi của Đảng, của Đoàn, một lần nữa thanh niên Bến Tre nối chí cha anh hăng hái tình nguyện vào lực lượng TNXP. Từ tháng 4/1978 đến 12/1978 đã phát triển trên 4.000 đội viên đi xây dựng kinh tế. Họ lên đường tiến quân vào khai phá vùng đất phèn chua mặn Châu Bình, Giao Điền trồng mới hàng trăm hecta rừng, cải tạo để ngọt hóa vùng đất Châu Bình và khai thác đá ở Tây Ninh. Năm 2007, Hội Cựu TNXP tỉnh Bến Tre được thành lập, tiếp theo các huyện và cơ sở trong toàn tỉnh (nơi có đông cựu TNXP và đủ điều kiện thành lập Hội). 

Tặng quà cho Cựu TNXP Bến Tre nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập TNXP. (Ảnh TLTĐ)

Có thể tự hào khẳng định dù bất cứ nơi đâu, trong bất cứ mặt trận nào lực lượng TNXP cũng có mặt và tỏ rõ tính xung kích, ý chí bất khuất, kiên cường, chủ động, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm tháng qua đi, những địa danh lịch ghi đậm chiến công của lực lượng TNXP cả nước như: Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng, Cổng Trời, đường 20 Quyết thắng, cua chữ A, đèo Pô Lai Nhích, núi Nhồi, Phà Xuân Sơn, đường 1C, Bầu Bang, Dầu Tiếng, Bông Trang – Nhà đor mãi mãi là niềm tự hào, là sự cổ vũ lớn lao đối với thế hệ tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Điều khẳng định sự đóng góp to lớn của lực lượng TNXP là sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, thế hệ TNXP thứ tư lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Một số địa phương đã thành lập các Đội TNXP tập trung xung kích khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, làm thủy lợi, khai hoang, trồng rừng, xây dựng các vùng kinh tế mới, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng phục vụ chiến đấu và chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống và để thanh niên rèn luyện, trưởng thành với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc yêu cầu, tại Bến Tre, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự phối hợp ngày càng tốt hơn của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Tỉnh Đoàn Bến Tre, cũng như các cấp Đoàn trong trong tỉnh vừa đồng hành, vừa tạo điều kiện cho các cấp Hội cựu TNXP trong tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Nhiều đợt hoạt động giáo dục truyền thống đã mang lại ý nghĩa thiết thực như: Xây dựng “Nhà tình nghĩa”, nhà “Mái ấm đồng đội”, công trình “Thờ ảnh Bác Hồ”, “Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế”, “Phát động phong trào TNXP giúp nhau làm kinh tế thoát nghèo”, Quỹ nghĩa tình đồng đội”; phối hợp và tham gia “Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị; động viên cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện 03 chương trình trọng tâm của Tỉnh uỷ “Giảm nghèo, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường”, đặc biệt là phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” tại gia đình mình, mỗi Chi hội, tổ hội. Tiếp tục xây dựng, phát triển tổ chức Hội trong sạch vững mạnh theo phương châm “Nơi nào có hội viên, nơi đó có tổ chức Hội”.

Cựu TNXP xã Bảo Thuận tham gia trồng cây xanh trên tuyến đường nông thôn xã. (Ảnh TLBT)

Kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống TNXP Việt Nam (15/7/1950 – 15/7/2017), 52 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP Bến Tre, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và mãi mãi ghi dấu về những giá trị đổi bằng xương máu của lực lượng TNXP anh hùng, ở những đơn vị, những con người, những cung đường, những trọng điểm thấm đẫm máu đào của họ. Biết bao cô gái, chàng trai đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp vĩ đại cho sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc; lập nên những kỳ tích anh hùng, dệt nên những huyền thoại, tô đậm trang sử vẻ vang và xứng đáng là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phong trào thanh niên yêu nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Dù hôm nay họ là ai, làm gì, ở đâu, còn hay mất thì họ vẫn mãi mãi là những chứng nhân lịch sử, xứng đáng được tôn vinh, ghi nhớ và mãi mãi là những bó hoa tươi thắm, luôn tỏa hương thơm ngát trong sự nghiệp dựng xây đất nước.

Trong giai đoạn mới, lực lượng TNXP tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí, đồng bào, sống lạc quan yêu đời, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, để chiến thắng kẻ thù trên mọi phương diện. Phát huy truyền thống cần cù học tập, nổ lực tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn sản xuất để trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt phục vụ tốt, góp phần cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa như lực lượng TNXP cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ từng phát triển, cống hiến và trưởng thành, đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng Việt Nam vẻ vang. Đặc biệt, với sức lực, trí tuệ trong kháng chiến, hơn bao giờ hết cựu TNXP ngày càng vươn lên trong phát triển kinh tế, giáo dục con cái, ra sức góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội để xây dựng nên cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Và TNXP cả nước nói chung, TNXP Bến Tre nói riêng luôn xứng đáng với bức trướng “Chiến đấu dũng cảm/ Lao động sáng tạo/ Lập công xuất sắc” mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tặng cho lực lượng TNXP.

(Tham khảo tư liệu lịch sử)

www.bentre.gov.vn