Thanh niên với phát triển kinh tế biển

Đưa dân ra đảo
 
5 đảo thanh niên đượctập trung xây dựng trong giai đoạn 2013 – 2020 gồm: Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang), Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) và Cồn Cỏ (Quảng Trị).
 
Đề án sẽ tiếp nhận 592 hộ dân và gia đình thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp ổn định lâu dài, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động thường xuyên và gần 4.000 lao động thời vụ. Mỗi đảo thành lập một Tổng đội Thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản gắn với tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm nòng cốt xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đề án nhằm trợ giúp các ngư dân trẻ có điều kiện khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của đảo trong bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) là hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Tổ quốc. Đảo Trần có vị trí chiến lược quan trọng ở vịnh Bắc bộ, cách đường phân định vịnh Bắc bộ khoảng 7 hải lý, cách trung tâm huyện đảo Cô Tô khoảng 45km, cách trung tâm TP Móng Cái khoảng 25km. Hiện nay, trên đảo có cán bộ, chiến sĩ của một số lực lượng chức năng đóng quân và một hộ dân sinh sống, làm nghề khai thác hải sản.
 
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Tỉnh đoàn đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể  đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân và thanh niên ra Đảo Trần sinh sống. Năm 2012, từ chỗ có 1 hộ dân đầu tiên ra đảo Trần sinh sống với nghề đánh bắt thì đến năm 2015, đã có 17 hộ dân tiếp theo tình nguyện ra Đảo Trần sinh sống và lập nghiệp.
 
 
Đoàn viên, thanh niên huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo
 
Bạch Long Vĩ thuộc TP Hải Phòng là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ. Đảo là 1 trong 8 ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh – quốc phòng của Việt Nam cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ. Ngày 26/2/1993, Hải Phòng tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân đầu tiên ra đảo. Ngày 27/7/1994, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 379/TTg phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ thành một đơn vị hành chính cấp huyện phát triển kinh tế – quốc phòng – xã hội toàn diện, một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ.
 
Việc xây dựng 5 hòn đảo tiền tiêu thành 5 “Đảo Thanh niên” là điều được chờ đợi từ lâu, kể từ khi Bạch Long Vĩ được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng từ năm 1993. Kể từ đó, Bạch Long Vĩ đã trở thành hòn đảo “dân sinh”, với nhiều hộ gia đình sinh cơ lập nghiệp, nhất là những đôi lứa trẻ tuổi ra đảo, giữ đảo, an cư lập nghiệp trên đảo.
 
Định hướng phát triển đảo Thanh niên Cồn Cỏ là tiếp tục củng cố lực lượng thanh niên xung phong hiện có, tuyên truyền, vận động, tiếp nhận thêm 40 hộ gia đình thanh niên từ các địa phương trong tỉnh, đảm bảo đến năm 2020 trên đảo có 55 hộ gia đình thanh niên xung phong có việc làm và cuộc sống ổn định; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dân sinh, y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội và du lịch.
 
Làm giàu từ biển
 
Với lợi thế kinh tế biển và địa chính trị, huyện đảo Cô Tô dễ dàng nắm bắt các cơ hội phát triển để bứt phá, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nhanh chóng trở thành một vùng đảo có kinh tế phát triển, một căn cứ vững chắc đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo Đông Bắc. Phát triển huyện đảo Cô Tô phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển tổng thể của tỉnh Quảng Ninh, gắn kết chặt chẽ với TP Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, cửa khẩu quốc tế Móng Cái và vành đai kinh tế Bắc Bộ. Theo quy hoạch, Cô Tô sẽ ưu tiên phát triển tập trung vào các loại hình hậu cần nghề cá, đô thị sinh thái biển đẳng cấp hiện đại, thông minh và độc đáo, du lịch biển đảo…
 
Huyện Trần Văn Thời đã định hướng quy hoạch đảo Hòn Chuối phát triển toàn diện thủy sản – lâm nghiệp – nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – du lịch và các lĩnh vực xã hội. Xây dựng đảo Hòn Chuối đảm bảo quốc phòng – an ninh, tổ chức lãnh thổ, hạ tầng giao thông, quy hoạch cảng, điện, cấp thoát nước, hạ tầng xã hội…
 
Không chỉ chính quyền mà Đoàn Thanh niên các cấp cũng chủ động vào cuộc. Theo anh Lâm Văn Thủy, Bí thư Huyện đoàn Bạch Long Vĩ, trong nhiệm kỳ qua, thanh niên xung phong đã tiến hành thử nghiệm và ươm giống thành công phi lao tại đảo. Dự án sẽ cung cấp một phần cây giống cho trồng rừng, các chương trình trồng cây xanh nhân dịp đầu xuân, trồng cây xanh khuôn viên, các tuyến đường trên đảo.
 
“Triển khai thực hiện Đề án “Đoàn thanh niên đảm nhận giúp đỡ 500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2012 – 2016”, Huyện đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên huyện đảo hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất, mua con giống, phương tiện sản xuất, cây trồng, vật nuôi cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền hơn 10 triệu đồng”, anh Lâm Văn Thủy nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, Huyện đoàn Bạch Long Vĩ còn tăng cường tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên tích cực, chủ động tìm tòi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
 
Những chương trình này đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, dịch vụ hậu cần, bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ môi trường sinh thái. Thực tế đã cho thấy, các mô hình kinh tế tập thể thanh niên trong lĩnh vực thủy sản đã không những đạt được nhiều thành công, mà còn tạo ra sức lan tỏa lớn, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo bằng nghề thủy sản.

Theo Tuổi trẻ thủ đô